Tiền chảy mạnh vào bất động sản, thị trường sắp ‘đổi màu’?

NMP – Không chỉ nguồn vốn đầu tư nước ngoài ‘đổ’ vào thị trường bất động sản tăng mạnh, mà ngay cả tiền từ nhiều kênh chứng khoán, ngân hàng… cũng đang ‘chảy’ vào bất động sản.

Tiền chảy mạnh vào bất động sản

Tiền chảy mạnh vào bất động sản

Những “cú đấm” bồi hoàn liên tục từ đại dịch Covid-19 dù có ảnh hưởng lớn nhưng thị trường bất động sản vẫn đón nhận dòng tiền đầu tư lớn.

Đơn cử, dù tổng vốn FDI 6 tháng đầu năm nay giảm nhưng vốn vào ngành bất động sản lại gia tăng. Cụ thể, bất động sản là một trong 18 ngành, lĩnh vực tại Việt Nam đón nhận nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 1,15 tỷ USD. Con số này tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương mức tăng 300 triệu USD.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, có rất nhiều dòng tiền đang chảy vào bất động sản như tiền của các nhà đầu tư thu lợi từ thị trường chứng khoán; tiền kiều hối tại nhiều khu vực trên thế giới, do dịch bệnh nên không có hiệu quả đầu tư, đã cam kết về Việt Nam để đầu tư bất động sản.

Cùng với đó, nhiều ngành kinh tế ở Việt Nam bị thu hẹp hoạt động bởi dịch bệnh nên chuyển vốn vào thị trường bất động sản để tìm kiếm cơ hội tốt hơn. Tiền gửi ngân hàng khi lãi suất giảm thấp lại được rút ra chuyển vào thị trường bất động sản.v.v..

Một con số cũng đáng lưu ý liên quan đến thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2021, theo thống kê từ Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với lĩnh vực chuyển nhượng bất động sản tăng 61,7% so với cùng kỳ, tương đương khoảng 8.600 tỷ đồng.

Cụ thể, thuế thu nhập doanh nghiệp tăng khoảng 3.000 tỷ đồng trong đó, thu từ chuyển nhượng bất động sản khu đô thị Phước Hưng của Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp và Xây dựng Long Hưng (Đồng Nai) là 2.268 tỷ đồng; Công ty Thành phố Xanh 250 tỷ đồng; Dự án bất động sản New Vision 336 tỷ đồng; Tập đoàn Bitexco 110 tỷ đồng… Thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản cũng tăng khoảng 4.500 tỷ đồng; lệ phí trước bạ nhà đất tăng khoảng 1.100 tỷ đồng.

tien-chay-manh-vao-bat-dong-san-thi-truong-sap-doi-mau-1
Hình ảnh tại Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội được PV chụp vào hồi tháng 3/2021 cho thấy, dù dịch bệnh nhưng lượng người đến văn phòng đăng ký chuyển nhượng bất động sản rất đông, đến nỗi không còn chỗ ngồi bên trong nên nhiều người phải đứng đợi phía bên ngoài Văn phòng chờ đến lượt.

Thị trường sẽ ‘đổi màu’ vào cuối năm?

Theo phân tích của ông Đính, do ảnh hưởng của dịch bệnh tác động đến thu nhập của người dân dẫn đến nhu cầu thực giảm, thể hiện ở số lượng giao dịch giảm. Thế nhưng, tổng tiền vào thị trường có nhu cầu đầu tư bất động sản lại đang cho thấy có dấu hiệu mạnh lên.

Nguyên nhân bởi một lượng lớn tiền rút từ các lĩnh vực, thị trường khác đang đổ mạnh vào thị trường bất động sản tìm cơ hội đầu tư mua sắm như đã nêu ở trên.

Khi nguồn tiền thực tế vào thị trường bất động sản rất lớn, nguồn hàng lại khan hiếm là nguyên nhân chính giá bất động sản bị đẩy mạnh, tạo các cơn sốt ở thời điểm tháng 2, tháng 3 vừa qua. Và cũng chính hiện tượng cầu lớn, hàng khan, giá tăng mạnh đã thành cơ hội cho một bộ phận đầu cơ tham gia phát triển thị trường không tuân thủ quy định pháp luật.

Tuy nhiên, theo ông Đính, giá bất động sản một phần do bị đẩy lên nhưng thực tế hiện nay giá bất động sản tương lai cũng đang đối mặt với áp lực phải tăng giá.

Lý giải về điều này, ông Đính cho biết, sau cơn sốt, giá đất trên thị trường nhiều nơi vẫn còn ở mức cao nên việc đền bù, giải phóng mặt bằng sẽ cao. Cùng với đó, khung giá đất ở rất nhiều địa phương bị điều chỉnh tăng lên 15%; vật liệu xây dựng và các yếu tố đầu tư xây dựng đều đã tăng khoảng 50% (nhóm chi phí này chiếm tỷ trọng trên 50% giá thành đầu vào bất động sản)… Nhất là thủ tục phê duyệt dự án kéo dài, do vướng mắc quy định pháp luật dẫn đến tăng chi phí.

Nhận định thị trường bất động sản vẫn sẽ còn gặp khó, nhưng ông Đính cho rằng, thị trường sẽ có điểm sáng vào quý cuối năm 2021.

“Lực cầu của thị trường sẽ tăng mạnh trở lại vào quý 4 năm nay, tổng giao dịch có thể đạt tương đương 70-80% so với năm 2020.

Phân khúc căn hộ trung cấp tại Hà Nội và TP.HCM nếu có hàng ra thị trường sẽ hấp thụ mạnh, đạt tỷ lệ trên 75%. Phân khúc đất nền sẽ vẫn là sản phẩm được săn tìm của các nhà đầu tư. Những dự án có pháp lý tốt, chất lượng tốt, giá phù hợp sẽ được hấp thụ tốt”, ông Đính nhận định.

Ở một góc nhìn khác, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhấn mạnh, mục tiêu chung hiện nay là sớm kiểm soát tình hình dịch bệnh và đẩy nhanh chương trình tiêm vắc xin.

“Một khi dịch bệnh được kiểm soát, các địa phương có thể thu hút không chỉ đầu tư nội tỉnh mà còn từ các địa phương khác cũng như quốc tế. Các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… cùng các địa phương trong vùng trọng điểm phát triển kinh tế sẽ được nhà đầu tư quan tâm”, ông Matthew Powell đánh giá.

Theo Minh Thư

Compare listings

Compare