Nam Minh Phát – Từ mảnh đất gần nghĩa địa không ai để ý hay miếng đất ven biển dựng lều để kiếm kế mưu sinh hàng ngày, nhiều người đã bỗng chốc đổi đời vì sốt đất đi qua, giá cả tăng dựng đứng, thậm chí tăng gấp 100 lần so với giá mua vào.
Mỗi lần cơn sốt đất đi qua, có nhiều câu chuyện được kể ra. Bên cạnh những bài học xương máu từ hệ luỵ sốt đất, thì không thể phủ nhận, sốt đất cũng khiến những mảnh đời cơ cực ở những vùng quê thay đổi số phận từ chính mảnh đất “ông cha” của mình. Trong đó, nhiều người vì muốn canh tác thêm lúa, rau mà bỏ khoảng vài triệu đến vài chục triệu đồng để mua mảnh đất, không ngờ có ngày nó lại biến thành tài sản trị giá trị hàng tỉ đến hàng chục tỉ đồng, khiến cuộc sống của họ đổi thay chóng mặt. Và cũng không ít trong số đó, bỗng chốc trở thành những nhà đầu tư “tay ngang” kiếm tiền tỉ đổi đời vì sốt đất. Cuộc sống của họ vì thế khác hẳn sau mỗi đợt sốt, mặc dù có thể những người này không còn đất để canh tác, sản xuất nông nghiệp sau đó.
Theo các chuyên gia, hệ luỵ cũng nằm chính ở điểm này khi mà sốt đất hút nguồn lực của các nhà đầu tư lao vào vòng xoáy tăng giá, làm giảm nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất ở nhiều ngành, lĩnh vực khác; trong đó nhiều người nông dân mất đất, mất nguồn sống lâu dài từ việc sản xuất trên đất đai. Thế nhưng, rõ ràng, họ chính là bộ phận chủ đất được xem là “thắng đậm” trong cơn sốt khi giá trị đất đai tăng gấp nhiều lần so với giá trị thực. Nói đúng ra, họ là những người “đẩy hàng” thành công trong giai đoạn “đỉnh sốt”, thu được số tiền chênh lệch lên hàng tỉ đồng. Từ đó, nhiều người thoát nghèo, sống cuộc sống khác hẳn so với trước đây.
Năm 2017, sau nhiều năm dành dụm từ số tiền làm nông bà V.T.N quê ở Thanh Hoá mua một miếng đất ở quê với giá 90 triệu đồng/diện tích 120 m2 để làm của để dành với mong muốn chờ giá lên kiếm lời. Tuy nhiên ngay sau đó, giá BĐS Thanh Hoá liên tục sốt, đặc biệt là những khu vực ven biển. Từ nguồn vốn 90 triệu ban đầu, giá đất tại đây đã tăng phi mã. Năm 2018-2020 đã tăng lên 800 triệu. Đầu năm 2021 sau cơn sốt đất trên diện rộng tại Thanh Hoá, miếng đất của bà N được định giá 1,2 tỷ. Tuy nhiên sau cơn sốt qua đi, dù giá có giảm song cũng đang có người hỏi mua với giá 1 tỷ đồng.
Cũng tại các khu vực ven biển Thanh Hoá, trong giai đoạn 2017 đến nay giá đất không ngừng gia tăng khiến nhiều gia đình bỗng chốc trở thành “người giàu”. Ông P.V.S vốn là một ngư dân kinh tế khó khăn, có hơn 2.000m2 đất sát biển để dựng nhà tạm làm nơi buôn bán hải sản. Đến nay mảnh đất của ông được định giá hơn 10 tỷ đồng. Không chỉ ông S, nhiều gia đình khác có đất mặt tiền biển cũng nhanh chóng “phất” lên với số tiền tỷ được chia thừa kế sau bán đất.
Đổi đời vì sốt đất
Tương tự, anh Hoàng Văn M, (ngụ Quảng Xương, Thanh Hoá), từ một người buôn bán gà giống, anh trở thành một nhà đầu tư “tay ngang” vào thị trường BĐS đổi đời vì sốt đất, số tiến kiếm được từ đất gấp nhiều lần so với số tiền kinh doanh gà. Một mảnh đất gần đường lớn trong dân, anh M mua với giá 350 triệu đồng, chỉ sau 2 tháng bán ra với giá 800 triệu đồng. Tiếp tục tái đầu tư ở nhiều mảnh khác, số tiền nhà đầu tư tay ngang này thu được trong vòng 3 -4 tháng sốt đất có thể lên hàng tỉ đồng. Chưa kể, miếng đất ven biển 100m2, anh M mua năm 2018 với giá 1.2 tỉ đồng, mới đây (thời điểm sau Tết nguyên đán), anh bán với giá 5 tỉ đồng cho một nhà đầu tư khác tại Hà Nội.
Hay, từ mảnh đất gần biển Tiên Trang, mặt tiền đường lớn mua với giá 120 triệu đồng vào năm 2003, ông Đỗ Văn Th. bán được hơn 3 tỉ đồng khi cơn sốt đất ngang qua Thanh Hoá hồi đầu năm 2021. Vốn trước đây, mảnh đất này, theo ông Th. mục đích là để xây nhà cho con trai khi lấy vợ, chẳng mấy ai hỏi đến từ thời điểm ông mua. Thế nhưng, vì sốt đất, ông bán được giá, số tiền đó xây căn nhà khang trang cho cả nhà sinh sống trên mảnh đất đã có trước đó, và còn mua thêm được miếng đất nhỏ phía trong để làm của để dành.
Được biết, bên cạnh việc bán đất, ông Th cũng trở thành môi giới BĐS “tay ngang” cũng đổi đời vì sốt đất đầu năm tại Thanh Hoá, kiếm được khoảng 50-60 triệu đồng/tháng – số tiền mà ông nghĩ sẽ không bao giờ kiếm được hàng tháng từ việc bán phở.
Chưa kể, vì sốt đất mà giá đất ruộng, đất vườn các huyện ven biển Thanh Hoá bỗng chốc hoá đất “vàng”, và không chỉ chủ đất đổi đời mà con cháu khi được chia thừa kế cũng “phất” lên thành người giàu nhanh chóng. Không ít trường hợp, quanh năm đói ăn, làm nhiều nghề vất vả khác nhau để kiếm sống qua ngày nhưng khi được ông bà chia thừa kế miếng đất gần biển, giá trị lên đến 2-7 tỉ đồng (tuỳ diện tích), thế là họ xây được nhà khang trang, có tiền làm vốn kinh doanh, sống cuộc đời bớt cơ cực.
Rồi từ mảnh đất gần nghĩa địa không ai để ý hay miếng đất ven biển dựng lều để kiếm kế mưu sinh hàng ngày, nhiều người đã bỗng chốc đổi đời vì cơn sốt đất đi qua, giá cả tăng dựng đứng, thậm chí tăng gấp 100 lần so với giá mua vào. Chẳng hạn, mảnh đất gần nghĩa địa tại Quảng Hải (Quảng Xương, Thanh Hoá) mười mấy năm trước mua với giá 2 triệu đồng, thì nay bán được 2.4 tỉ đồng, tức tăng gấp 100 lần.
Tìm hiểu được biết, rất nhiều câu chuyện đổi đời vì sốt đất ở những vùng quê. Nhiều người nghèo bỗng dưng trở thành người giàu trong thời gian ngắn; nhiều nhà đầu tư “tay ngang” chưa một lần đầu tư đất đai trước đó trở thành nhà đầu tư “hốt bạc” khi cơn sốt đất đi qua. Nhiều người cho rằng, khoảng cách giữa giàu – nghèo đôi khi quá xa nhưng cũng có lúc như trở bàn tay từ mảnh đất dành dụm hay đất ông cha để lại.
Như vậy để thấy, trong những đợt sốt đất, đều có nhưng câu chuyện buồn, chuyện vui. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hệ luỵ dai dẳng để lại từ các cơn sốt đất là rất lớn. Có nhiều người có cuộc sống giàu sang cũng từ sốt đất, nhưng cũng không ít người tán gia bại sản vì lao vào vòng xoát sốt đất. Từ đó để thấy, không ai quá mong muốn sốt đất xảy ra, bởi sự bền vững, phát triển lành mạnh, lâu dài mới là điều thị trường BĐS hướng đến.
Theo Hạ Vy