(NMP) – Định hướng Cần Thơ trở thành trái tim của vùng ĐBSCL sau khi lấy ý kiến rộng rãi trong dân, các cơ quan, ban ngành của địa phương, các bộ ngành trung ương, 12 tỉnh ĐBSCL, TP.HCM về dự thảo quy hoạch TP thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
UBND TP Cần Thơ vừa có văn bản gửi cho các bộ, ngành trung ương, UBND TP.HCM và UBND 12 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về việc lấy ý kiến dự thảo Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cạnh đó, UBND TP cũng có văn bản gửi tới Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Cần Thơ, các sở, ban ngành TP, các cơ quan trung ương trên địa bàn TP, các viện, trường, các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn TP đề nghị hỗ trợ, phối hợp và tham gia đóng góp ý kiến cho nội dung Quy hoạch TP Cần Thơ.
UBND TP giao UBND quận, huyện tổ chức lấy ý kiến về quy hoạch đến UBND phường, xã, thị trấn và các cơ quan, tổ chức đóng tại địa bàn và thực hiện lấy ý kiến công khai theo quy định.
Việc lấy ý kiến này sẽ kết thúc chậm nhất vào ngày 10-6-2022.
Theo dự thảo Quy hoạch, quan điểm về phát triển TP Cần Thơ là xây dựng và phát triển Cần Thơ thành TP trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL.
Đưa Cần Thơ trở thành trái tim của vùng ĐBSCL và phát huy lợi thế tối đa
Xây dựng và phát triển Cần Thơ phải trên cơ sở khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của TP, của vùng ĐBSCL, nhất là vai trò trung tâm vùng, vị trí cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mekong.
Giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu; xem con người là trung tâm của sự phát triển…
Mục tiêu đến năm 2030, Cần Thơ trở thành trái tim của vùng ĐBSCL. Các ngành đẩy mạnh phát triển bao gồm sản xuất dược phẩm, năng lượng tái tạo, chế biến nông sản. Các nhóm ngành về dịch vụ như bán lẻ, giáo dục, y tế cũng được phát triển cân bằng và đa dạng.
>> Xem thêm: Cần Thơ trở thành trung tâm Thương mại Dịch vụ của vùng ĐBSCL
Tầm nhìn tới năm 2050, Cần Thơ tiếp tục phát triển đồng đều, định hướng trở thành TP thông minh đáng sống của Việt Nam.
Một số chỉ tiêu cụ thể trong 10 năm đến năm 2030 như tăng trưởng kinh tế đạt 9%. Cơ cấu kinh tế lần lượt các khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đạt 8,0%, 31,3%, 53,7% vào năm 2025 và đạt 5,2%, 34,9%, 53% vào năm 2030.
GRDP bình quân đầu người tính theo giá hiện hành đạt 194,37 triệu đồng vào năm 2030, đạt mức tăng trưởng 10,5%/năm giai đoạn 2021-2030. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2021-2030 đạt 339.000 tỉ đồng vào năm 2030, đạt mức tăng trưởng 7,9 %/năm giai đoạn 2021-2030. Mức thu nhập bình quân hàng tháng/đầu người đạt 13,6 triệu đồng vào năm 2030…
Theo dự thảo quy hoạch, Cần Thơ được chia thành 3 vùng đô thị chính. Vùng lõi trung tâm đô thị phía Nam, bao gồm các quận Ninh Kiều, Bình Thuỷ, Cái Răng, huyện Phong Điền và một phần huyện Thới Lai, quận Ô Môn, lấy ranh giới là kênh KH08.
Vùng phát triển kinh tế mới phía Bắc (gồm các quận, huyện Ô Môn, Thới Lai, Cờ Đỏ, Thốt Nốt – Vĩnh Thạnh), nằm từ kênh KH08 về phía Bắc, có cao tốc Ô Môn – Giồng Riềng và trục sông Ô Môn ở giữa, trục cao tốc Lộ Tẻ – Rạch Sỏi, Quốc lộ 80, Quốc lộ 91, cao tốc An Giang – Cần Thơ, cảng Thốt Nốt.
Vùng đô thị phía Tây cao tốc An Giang – Cần Thơ. Vùng này thuộc đất các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, bị ngăn cách bởi cao tốc An Giang – Cần Thơ.
Dự thảo quy hoạch nêu ra phương án phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng; phương án tổ chức hoạt động kinh tế – xã hội; phương án phát riển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội; lập phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp quận, huyện; phương án quy hoạch xây dựng vùng liên quận, vùng huyện…