Quy hoạch sử dụng đất Huyện Châu Thành, Hậu Giang năm 2021

bản đồ quy hoạch sử dụng đất Huyện Châu Thành được Nam Minh Phát cập nhật từ cơ quan hành chính tỉnh Hậu Giang.

Bản đồ quy hoạch sử dụng đất Huyện Châu Thành. tỉnh Hậu Giang

Giới thiệu về Huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang

I/. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN

1/. Vị trí địa lý

 Huyện Châu Thành có vị trí tiếp giáp với Thành Phố Cần Thơ và Sông Hậu, có tuyến Quốc lộ 1 đi qua và hiện nay có thêm 1 tuyến giao thông mang tính chiến lược đó là Quốc lộ Nam Sông Hậu. Phía Nam giáp Thị xã Ngã Bảy, phía Đông giáp tỉnh Sóc Trăng, Đông – Bắc giáp tỉnh Vĩnh Long, Tây – Bắc giáp TP Cần Thơ và phía Tây giáp huyện Châu Thành A.

2/. Khí hậu

Huyện Châu Thành có khí hậu điều hòa, ít bão, quanh năm nóng ẩm, không có mùa lạnh. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.

3/. Sông ngòi

Châu Thành có hệ thống sông ngòi chằng chịt với nhiều con sông lớn và chịu ảnh hưởng triều cường của hạ lưu Sông Hậu; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thông đường thuỷ và thể hiện rõ nét văn hoá của vùng sông nước . . .

II/. KINH TẾ & XÃ HỘI

KINH TẾ

       1/. Nông nghiệp

Chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi. Thế mạnh là trồng cây ăn quả với đặc sản là bưởi Phú Hữu, bưởi năm roi.

Nguồn thu nhập chính của người dân Châu Thành là trồng lúa song vùng đang chuyển đổi cơ cấu thiên về chuyên canh đặc sản vùng rất mạnh, một số loại cây trái được ưa chuộng như bưởi năm roi, bưởi ruột đỏ, sầu riêng,…Mô hình sản xuất bưởi năm roi theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất bưởi hồ lô,…Sản lượng cây ăn trái các loại đạt 42.800 tấn/năm, nhiều mô hình kinh kinh tế vườn có thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với cây lúa. Rau màu phát triển đa dạng về chủng loại, giao trồng bình quân 1.095 ha/năm. Toàn huyên Châu Thành hiện nay có hơn 2.943 hộ có thu nhập từ 50 triệu -200 triệu/ha/năm, chiếm 14% tổng số hộ dân.

Khi đến Châu Thành, ta sẽ bắt gặp nhà nào cũng nuôi một vài con heo, một số gia đình chuyên nuôi vịt chạy đồng, hiện nay một số nhà nông bắt đầu đầu tư nuôi bò sữa. Ngoài ra, diện tích nuoi thủy sản gần đây tăng nhanh đạt 500 ha, đưa sản lượng từ 3602 tấn(2005) lên 11.750 tấn(2010), góp phần tạo nguyên liệu cho chế biến thủy sản xuất khẩu.

Mô hình hợp tác xã đang được chú trọng phát triển, hiện huyện Châu Thành có 26 hợp tác xã, trong đó 25 hợp tác xã nông nghiệp và 01 hợp tác xã phi nông nghiệp góp phần đáng kể cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp –  nông thôn.

Hiện nay, kinh tế nông thôn đang chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề, các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được đổi mới, phục hồi và phát huy các làng nghề như dệt chiếu, đan lục bình, hầm than,…

2/. Công nghiệp, Tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ

Công nhiệp và tiểu thủ công nghiệp: giá trị sản xuất tăng bình quân 43,04%/năm, chủ yếu ở khu vực tư nhân. Có 454 cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Khu công nghiệp Sông Hậu và cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A được tỉnh chỉ đạo đã hình thành, đang được kêu gọi và thu hút nhiều nhà đầu tư với tổng số vốn khoảng 800 tỷ đồng.

Hoạt động thương mại và dịch vụ: toàn huyện có 830 cơ sở thương mại và dịch vụ (2010), giai đoạn 1 của Trung tâm thương mại Thị trấn Ngã Sáu đã xây dựng xong. Dịch vụ giao thông vận tải, bưu chính viễn thông phát triển nhanh, phương tiện và chất lượng phục vụ khá tốt.

Hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có điện trung thế, tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 96%.

     3/. Giao thông

Đến thời điểm năm 2009, về cơ bản, huyện đã phát triển đồng bộ mạng lưới giao thông thủy bộ khá hoàn chỉnh, phục vụ tốt cho nhu cầu phát triển kinh tế và thuận tiện cho bố trí khu, cụm dân cư.

Đường tỉnh 925 được nâng cấp đạt chuẩn cấp IV đồng bằng với chiều dài 16,4km từ quốc lộ 1 đến xã Phú Hữu và xây dựng mới 4km từ xã Phú Hữu đến Thị trấn Mái Dầm. Bên cạnh đó các tuyến lộ cũng đã được triển khai tương đối hoàn chỉnh như: lộ Tránh Thị trấn Ngã Sáu, lộ Cái Chanh – Phú An – Đông Phú, rút ngắn đoạn đờng quốc lộ 1 đến khu công nghiệp Sông Hậu, mở ra một trào lưu giao lưu kinh tế mới trong khu vực; tuyến Ngã Sáu – Cầu Dừa – Tân Long – quốc lộ 1. Đến đầu năm 2010, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” với kinh phí trên 81 tỷ đồng, tập trung xây dựng cầu, đường và nạo vết các kênh thủy lợi, đem lại diện mạo mới cho nông nghiệp, nông thôn huyện Châu Thành. Hệ thống giao thông nông thôn cơ bản hoàn chỉnh với 08/09 xã, thị trấn có đường ôtô từ huyện đến trung tâm, 100% xã, thị trấn có đường xe 2 bánh liền ấp, liền xã.

XÃ HỘI

1/. Dân cư

 Mật độ dân số: 605người/km vuông. Dân cư phân bố không đều, tập trung nhiều ở nông thôn(73.854 người), ở thành thị(7.518 người).

Theo thống kê năm 2009, số người trong độ tuổi lao động của huyện Châu Thành là 51.753 người trong đó có 51.285 người có khả năng lao động. Tuy nhiên đội ngũ lao động có tay nghề, có chuyên môn nghiệp vụ còn thấp. Sự phân bố lao động làm việc trong các ngành không đồng đều, chủ yếu tập trung vào sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp(34.128 người- năm 2009), trong khi đó hoạt động Khoa học và Công nghệ chỉ có 16 người( năm 2009).

2/. Giáo dục

Hiện nay, huyện Châu Thành có 577 giáo viên từ bậc tiểu học đến phổ thông trung học và 355 phòng học và 9.733 học sinh các cấp. Có 02 trường phổ thông: THPT Ngã Sáu và THPT Phú Hữu. Có nhiều trường đạt thành tích cao trong giáo dục: Tiểu học Phú Hữu 5, Mẫu giáo Đông Phú, THPT Phú Hữu,…Tuy hoàn cảnh nông thôn hết sức khó khăn nhưng lãnh đạo các trường đã vươn lên đạt nhiều thành tích đáng nể. Công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học được thực hiện khá tốt: 9/9 xã, thị trấn được công nhận.

3/. Y tế

Huyện Châu Thành đã thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, phòng chống dịch chủ động, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là gia đình chính sách, hộ nghèo. Chất lượng khám và điều trị bệnh nâng lên rõ rệt với 128 cán bộ y tế và 126 giường bệnh( 2009). Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hiện có 08/09 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Công tác dân số, gia đình và trẻ em được các ngành, các cấp quan tâm phối hợp thực hiện. Các chỉ tiêu về KHHGĐ hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch.

4/. Văn hóa – Thông tin

Năm 2009, huyện có 01 Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể  thao, 9/9 xã thị trấn có thư viện, phòng đọc sách. Công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở đạt kết quả khá tốt, được tỉnh công nhận 02 xã, thị trấn văn hóa. Truyền thống văn hóa đựoc giữ vững và phát huy, đã trùng tu Nghĩa trang liệt sĩ huyện, xây mới nhà tưởng niệm xã Phú Hữu, góp phần giáo dục lịch sử truyền thống cho các thế hệ. Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được phát động rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân và được duy trì thường xuyên. Hệ thống truyền thanh được bố trí đều khắp, 9/9 xã, thị trấn được phủ sóng phát thanh, chất lượng tin bài và thời lượng phát sóng được nâng lên, phát huy tốt vai trò cơ bản là cầu nối gắn liền giữa Đảng với dân, giữa dân với Đảng.

5/. Chính sách xã hội:

Huyện Châu Thành đã thực hiện tốt chính sách đối với người có công, người nghèo, năm 2009 huyện đã xây dựng và bàn giao 288 căn nhà tình nghĩa, 669 căn nhà tình thương, phụng dưỡng các bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, tổ chức thăm viếng, tặng quà cho các gia đình chính sách trong dịp lễ, Tết, lúc khó khăn để ổn định cuộc sống. Bằng nguồn vốn vay quỹ quốc gia giải quyết việc làm và các chương trình dự án lồng ghép đã tạo cho 14.980 lao động có việc làm, đào tạo nghề cho 3.270 lao động, xuất khẩu 91 lao động. Công tác xóa đói giảm nghèo được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, bằng nhiều biện pháp thiết thực kết hợp với chương trình vay vốn phục vụ người nghèo đã từng bước cải thiện thu nhập cho  người nghèo trên địa bàn huyện.

7.2. Lịch sử hình thành nhập nội dung:

“Ai ghé chiều nay thăm vùng đất Hậu

Hãy rẽ lối về Sáu ngã thân thương

Về với Châu Thành để lòng mình thổn thức

Nghe đất chuyển mình vươn tới tương lai”

Châu Thành thuộc vùng đất Cần Thơ, được khai thác từ năm 1739, mang tên là huyện Trấn Giang, đổi tên thành huyện Vĩnh Định vào năm 1813  và được đổi tên thành huyện Phong Phú vào năm 1839.

Tháng 02/1876 Soái phủ Pháp tại Sài Gòn quyết định nhập huyện Phong Phú với các đơn vị khác để lập thành tỉnh Cần Thơ. Quận Châu Thành gồm 02 Tổng: Tổng Định Bảo với 12 làng và Tổng Định An với 04 làng.

Tháng 12/1932 quận Châu Thành đổi tên thành quận Cái Răng, Dinh quận tại Thị trấn Cái Răng(ngang chợ Cái Răng).

Tháng 6/1934 quận lấy lại tên cũ là Châu Thành, Dinh quận dời về Dinh xã Tây(nay là UBND Thành phố Cần Thơ).

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tháng 8/1946, Châu Thành tách ra và lập Thị xã Cần Thơ.

Giữa năm 1951, huyện Châu Thành không còn mà sáp nhập với huyện Phụng Hiệp và Ô Môn.

Sau năm 1954 huyện Châu Thành được lập lại.

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, tháng 10/1966, Châu Thành được chia ra thành Châu Thành A và Châu Thành B. Cuối 1967 nhập lại là Châu Thành. Sau nhiều lần chia tách rồi sáp nhập Châu Thành Vòng Cung vào Châu Thành A, Châu Thành B nhập lại là huyện Châu Thành.

Sau 30/4/1975,  Châu Thành là huyện của tỉnh Hậu Giang.

Ngày 26/12/1991, chia tỉnh Hậu Giang thành tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng, huyện Châu Thành thuộc tỉnh Cần Thơ, gồm thị trấn Cái Răng và 13 xã: Đông Phú, Phú An, Phú Hữu, Đông Thạnh, Nhơn Ái, Nhơn Nghĩa, Tân Phú Thạnh, Đông Phước, Thạnh Xuân, Trường Long, Tân Thuận, Tân Hòa, Trường Long Tây.

Ngày 06/11/2000, Chính phủ ban hành Nghị định số 64/2000/NĐ-CP điều chỉnh địa giới hành chính huyện Châu Thành để tái lập huyện Châu Thành A thuộc tỉnh Cần Thơ. Theo đó huyện Châu Thành còn 18.851 ha diện tích tự nhiên và 121.689 nhân khẩu, gồm 06 đơn vị hành chánh trực thuộc là các xã: Đông Thạnh, Đông Phú, Đông Phước, Phú An, Phú Hữu và Thị trấn Cái Răng.

Ngày 10/7/2001, Chính phủ ban hành Nghị định 37/2001/NĐ-CP về việc thành lập xã, thị trấn thuộc các huyện Châu Thành và Châu Thành A, tỉnh Cần Thơ. Theo đó, thành lập xã Phú Hữu A thuộc huyện Châu Thành trên cơ sở 1.799 ha diện tích tự nhiên và 10.593 nhân khẩu  của xã Phú Hữu, thành lập Thị trấn Ngã Sáu thuộc huyện Châu Thành trên cơ sở 1.100 ha diện tích tự nhiên và 5.530 nhân khẩu của xã Đông Phước, thành lập xã Đông Phước A thuộc huyện Châu Thành trên cơ sở 2.258 ha diện tích tự nhiên và 9.290 nhân khẩu cử xã Đông Phước.

Ngày 26/11/2003, Quốc Hội thông qua Nghị quyết số 22/2003/QH11 về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh. Ngày 02/01/2004, Chính phủ ban hành Nghị định 05/2004/NĐ-CP chia tỉnh Cần thơ thành TP Cần thơ trực thuộc Trung ương và tỉnh Hậu Giang; và Nghị định 06/2004/NĐ-CP điều chỉnh địa giới hành chính một số xã thuộc huyện Châu Thành và Châu Thành A trực thuộc tỉnh Hậu Giang. Huyện Châu Thành sau khi điều chỉnh địa giới hành chính có 14.578,91 ha diện tích tự nhiên và 81.194 nhân khẩu, gồm 8 đơnvị hành chính trực thuộc: Thị trấn Ngã Sáu, xã Đông Phú, Phú Hữu A, Phú Hữu, Phú An, Đông Thạnh, Đông Phước và Đông Phước A.

Ngày 24/8/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 37/NĐ-CP thành lập xã Phú Tân thuộc huyện Châu Thành trên cơ sở điều chỉnh 1.673 ha diện tích tự nhiên và 12.054 nhân khẩu của xã Phú Hữu. Sau khi thành lập xã Phú Tân, huyện Châu Thành có 9 đơn vị hành chính trực thuộc gồm Thị trấn Ngã Sáu và 8 xã: Phú Tân, Phú Hữu, Phú Hữu A, Đông Phú, Phú An, Đông Phước A, Đông Phước, Đông Thạnh.

7.3. Lịch sử văn hóa:

Châu Thành là một miệt vườn trù phú, cảnh đẹp, người xinh, giàu ân tình và lòng mến khách, có dòng sông đẹp hiền hòa, có Nam Kỳ Khởi Nghĩa ở Phú Hữu,…có biết bao kỳ tích anh hùng từ khi ông cha đi khai hoang mở đất cho đến ngày nay.

     1/. Đặc sản

     a/. Bưởi năm roi

A về Phú Hữu quê tôi

Đem về đôi bưởi làm quà tặng nhau

Vùng đất Phú Hữu là vùng đất hết sức đặc biệt vì nó rất thích hợp trồng cây có múi hơn bất kỳ nơi nào hết. Trái bưởi thơm và ngọt đặc trưng, trái chín vàng nhiều nước, từng múi chín mọng, pha chút chua, chút  the và một chút mặn của  muối ớt cay xè sẽ làm cho bưởi Phú Hữu trở thành ấn tượng khó quên với những ai đã thưởng thức bưởi năm roi dù chỉ một lần. 

Ăn bưởi không những chỉ  thưởng thức cái ngon của nó, ăn bưởi còn có tác dụng trị bệnh rất hữu hiệu, tinh dầu bưởi trị rất nhiều bệnh, bôi tin dầu lên da giúp liền sẹo, ăn bưởi giúp giảm cân, ngăn ngừa ung thư, tốt cho hệ tiêu hóa, vỏ bưởi phơi khô nấu nước uống trị bệnh ăn khó tiêu, là bưởi dùng để xông giúp giải cảm,…đặc biệt, trong cùi trắng của quả bưởi có chứa chất pectin, tinh dầu, hesperridin, maringin có tác dụng làm giảm colesterol huyết, phòng chống cao huyết áp,…

Với những đặc điểm nêu trên, cây bưởi đã trở thành loại cây trồng mang lại nguồn lợi nhuận lớn đối với người trồng bưởi,  sản lượng bưởi hàng năm của huyện Châu Thành là 8.240tấn/723ha diện tích trồng bưởi.

b/. Nguồn thuỷ sản tự nhiên:

Huyện có hơn 7 km Sông Hậu đi qua nên có nhiều loài tôm, cá nước ngọt và nhiều động vật hoang dã đặc trưng của vùng. Đặc biệt có một số loại cá nước ngọt nổi tiếng và được nhiều người ưa thích như: cá linh, cá cóc, cá mè vinh, có lóc, cá chạch đặc biệt là cá ngát, cá chạch lấu Sông Hậu …

Cá Ngát: Sông Phú Hữu vào tháng 5 có một đặc sản là cá Ngát – một loại cá da trơn, tựa như các trê nhưng có kích cỡ khá to, nặng trung bình từ 0,5kg – 5kg/con, vào mùa sinh sản, một con cá Ngát cái mang trong mình hai buồng trứng to bằng ¼ trọng lượng cơ thể, mỗi buồng trứng chứa hàng ngàn trứng nhỏ cỡ hạt đậu xanh;

Thường làm hang dưới nước, ở những bãi đất sình nằm trên một nền đất sét dưới những triền sông, ao,… Có nhiều cách để bắt đựơc cá Ngát trên sông: lưới vây, đáy hàng khơi, câu bằng cần,…Từ cá Ngát, người ta có thể chế biến ra nhiều món ăn dân dã, tuyệt vời mà không thể nào quên được: lẩu chua cá Ngát nấu mẻ, trứng cá Ngát nấu mẻ, chả trứng các Ngát,…

c/ Mắm nêm:

Đây là một đặc sản của làng Phú Nghĩa, một loại mắm làm từ con cá cơm được ủ theo những bí quyết riêng. Mùi vị mắm nêm thơm, ngọt dịu. Đặc sản này một thời không thể thiếu trong các bữa cơm của các địa chủ trong vùng, những nhà giàu có ngày xưa.

2./ Làng nghề truyền thống

a/ Thủ công, mỹ nghệ:

Châu Thành nổi tiếng với mặt hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm làm từ cây lục bình, xuất khẩu ra nhiều nước trên Thế Giới.

c/ Nghề làm chiếu

Theo lời kể của nhiều người dân tại ấp Thạnh Thuận, xã Đông Thạnh  thì nghề dệt chiếu đã tồn tại nơi đây hàng trăm năm trước. 

 

Tìm đến những căn nhà còn giữ lấy nghề dệt chiếu, được nghe họ kể về sự vất vả và khối lượng công việc một người thợ dệt phải hoàn tất để có một chiếc chiếu hoàn chỉnh mới thấy hết sự quý giá của đôi chiếu. Vừa kéo khung ép những cọng

lác nhịp nhàng, làm chiếu phải có 2 người mới làm được. Một người luồng lác vào những sợi chỉ và một người ép lác. Phải đi mua lác rồi phát từ ngoài đồng chở về phơi khô, chẻ, nhuộm màu, lựa cẩn thận từng sợi ngắn, dài, rồi mới đến khâu làm chiếu”. Lúc có giá thì bán được 70.000-80.000đ/đôi. 

Thời chiến tranh, dệt chiếu cực hơn bây giờ, nhưng bà con ở đây nhiều người theo nghề. Bây giờ, người lớn tuổi thì nghỉ an dưỡng con cái nuôi nên không làm nữa, một phần mấy đứa trẻ thích đi làm công ty, xí nghiệp hơn. Dần dần ở xóm này chỉ còn vài chục hộ bám lấy nghề truyền thống ông bà để lại, không biết lúc nào mất đi.   

 

Thời gian qua, việc triển khai dự án đã nhận được sự quan tâm của nhân dân và các ngành, các cấp. Địa phương đã mở 2 lớp dạy nghề cho 60 học viên theo học nghề dệt chiếu công nghiệp và tổ chức tham quan các xưởng dệt chiếu ở tỉnh khác để chị em có thêm kinh nghiệm. 

 

Với nhiều khó khăn hiện tại, để phát triển nghề dệt chiếu xã Đông Thạnh còn cần có thời gian và sự tham gia quản lý, hỗ trợ của chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể. Giúp hợp tác xã chứng minh được hiệu quả kinh tế từ mô hình này thì nhân dân mới mặn mà. Bên cạnh, còn cần sự hỗ trợ vốn từ phía nhà nước để bà con có thêm điều kiện đầu tư sản xuất, mua máy móc, trang thiết bị, phát triển ngành nghề.

 

b/ Nghề làm Đáy:

Đây là một nghề bắt cá trên sông của ngưởi dân gọi là Trãi Đáy, họ dùng một lưới giống như một cái Lú, có miệng rộng khoảng từ 7m-15m chiều dài từ 20m-30m, được thả bắt đầu từ thời gian nước đứng và thời gian nước ròng cho đến nước gần đứng thì kéo lên và kéo từ miệng đáy trước để tránh cá đi ngược ra, phía đáy của Đáy được cột kín cẩn thận. Mỗi ngày, người dân thường thả Đáy 2 lần tuỳ vào nhật triều mà họ có thể thả Đáy lúc sáng hay tối, có khi Đáy được thả ngay trong đêm khuya. Ngày nay, khi Luật an toàn giao thông đường thuỷ có hiệu lực, giao thông ngày càng đông đúc, Chính quyền tạo điều kiện cho các tàu lớn ra vào Cảng cần Thơ cũng như Cảng Cái Cui thì nghề Đáy cũng dần không còn.

        3./ Di tích lịch sử:

Từ Bến Ninh Kiều, Thành Phố Cần Thơ xuôi dòng sông Hậu theo hướng ra biển  khoảng 20km vào Vàm sông Mái Dầm đi tiếp khoảng 2km nữa là đến điểm di tích này. Đến đây, du khách sẽ được nhìn thấy Khu di tích Đình Thần và Nam Kỳ Khởi nghĩa, được nghe kể về những cuộc đấu tranh hào hùng của nông dân làng Phú Hữu trong những năm đấu tranh chống Pháp và chống Mỹ, được tìm hiểu thêm về những con người “chân đất đầu trần” mà làm nên lịch sử.

a/ Địa điểm Khởi Nghĩa Nam Kỳ 1940:

Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ 1940 ở Phú Hữu mãi mãi là điểm chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Hậu Giang. Do đó, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã ra quyết định số 154-VH/QĐ ngày 25 tháng 01 năm 1991 công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. 

b/ Đồng Khởi:

Ngày 19/01/1960, đơn vị vũ trang tập trung đầu tiên ra đời trong phong trào Đồng Khởi tại xã Bình Khánh, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Đơn vị gồm 50 cán bộ, chiến sĩ được trang bị 23 khẩu súng các loại, do đồng chí Lê Minh Đào chỉ huy.

Theo phương án đã được Xứ ủy Nam Bộ phê chuẩn, ngày 26/01, quân ta tập kích căn cứ Tua Hai, cách thị xã Tây Ninh 7 km về phía bắc. Chỉ sau 20 phút chiến đấu, ta đã tiêu diệt và bắt sống 500 tên địch, thu 1.500 khẩu súng các loại. Trận Tua Hai là một trong những trận đánh lớn đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam, mở đầu thời kỳ chiến tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang ở miền Đông Nam Bộ, góp phần cổ vũ nhân dân miền Nam đứng lên Đồng Khởi.

c/ Địa điểm cơ quan Liên tỉnh ủy Cần Thơ ở xã Phú Hữu       

Đây là căn cứ được thành lập sau ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam. Từ căn cứ này Liên Tỉnh ủy đã triệu tập Hội nghị, phổ biến Nghị quyết của Xứ ủy và kế họach cho khởi nghĩa Nam Kỳ cho Đảng bộ các tỉnh miền Hậu Giang.

Đến đây, ta sẽ được nghe kể về bà Ngô Thị Lụa ở rạch Ngã Lá, ấp Phú Lễ, xã Phú Hữu đã đùm bọc, che chở, bảo vệ cho các đồng chí lãnh đạo và căn cứ Liên Tỉnh ủy an toàn  hoạt động, chỉ đạo phong trào cách mạng các tỉnh miền Hậu Giang suốt thời gian từ đầu năm 1938 đến 11/1940.

Do thời gian và trải qua 2 cuộc kháng chiến, bom đạn tàn phá ác liệt nên ngôi nhà của bà Ngô Thị Lụa và cảnh vật xưa không còn, nhưng nơi đây vẫn khắc ghi một sự kiện lịch sử sâu sắc, một truyền thống cách mạng mãi sáng chói của các tỉnh miền Hậu Giang.

Với ý nghĩa quan trọng đó, Bộ văn hóa Thông tin ra quyết định số 154-VH/QĐ ngày 25/01/1991 công nhận di tích lịch sử Liên Tỉnh ủy Cần Thơ tại xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang là di tích cấp quốc gia.

d/ Đình Thần:

 Thờ vị tướng Nguyễn Trung Trực (1837 – 1868) quê ở Tân An, Long An. Năm 1861, hưởng ứng phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp ông chiêu mộ nông dân trong vùng nổi dậy chống phá các đồn Pháp ở vùng Tân An và lập được nhiều chiến công nên được triều đình Huế phong chức Quản cơ. Ngày 10/12/1861, Nguyễn Trung Trực đã tổ chức phục kích đốt chìm tàu Pháp trên sông Nhật Tảo. Đến tháng 10/1868, để bảo vệ lực lượng và nhân dân, Nguyễn Trung Trực đã tự nộp mình cho giặc Pháp. Sau khi dụ dỗ, mua chuộc không thành, Pháp đã đem ông ra hành hình ngày 27/10/1868 tại Rạch Giá.

4/. Anh Hùng dân tộc:

Ngô Hữu Hạnh (1913 – 1941) quê xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ. Năm 1930, Ngô Hữu Hạnh tham gia các hoạt động do Đảng lãnh đạo. Trước tiên anh chọn nghề dạy học, có trình độ lại có tinh thần ham hiểu biết. Với lòng yêu nước tha thiết, anh đã tìm đến ông Nguyễn Ngươn Hanh, một nhà lão thành yêu nước, từ đó tiếp thu và bồi dưỡng những nhận thức cách mạng và được giao nhiệm vụ. Năm 1937, anh được giới thiệu vào Đảng, nhiệm vụ lúc này là gây dựng cơ sở, phát động phong trào cách mạng ở quê nhà, để đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ, chống tăng thuế, bắt người Việt Nam đi lính chết thay cho Pháp. Các đồng chí trong Đảng bộ lúc này thống nhất tổ chức cuộc mít tinh phát động quần chúng hưởng ứng chủ trương của tỉnh ủy tại lung Bảy Thưa và cuộc đấu tranh giành được thắng lợi. Đầu năm 1939, bọn thực dân Pháp ở Đông Dương tìm mọi cách quyết đẩy lùi, dập tắt cao trào dân chủ đang lớn mạnh trong nước. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, nhiều cuộc đấu tranh của quần chúng diễn ra sôi nổi trên ba miền đất nước và mang lại thắng lợi to lớn. Tháng 9/1939 chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, bọn thống trị Pháp ở Đông Dương ra lệnh cấm phong trào dân chủ, lùng bắt các Đảng viên cộng sản, đánh phá cơ sở Đảng, lúc này tổ chức bố trí cho đồng chí chuyển vùng, rút vào hoạt động bí mật tiếp tục xây dựng cơ sở cách mạng và lãnh đạo phong trào cách mạng tại đây. Tháng 12/1939, đồng chí là ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Cần Thơ, đặc trách công tác thanh niên và học sinh toàn tỉnh. Năm 1940 tiến hành khởi nghĩa đồng loạt khắp Nam kỳ, nhiều nơi cuộc khởi nghĩa nổ ra rất quyết liệt, nhưng sau đó bị địch đàn áp và dập tắt, đồng chí bị địch bắt chúng vừa tra tấn đánh đập dã man vừa ra sức dụ dỗ, hòng khai thác cơ sở bí mật của ta, nhưng chúng đã thất bại trước tinh thần dũng cảm của đồng chí. Chúng đưa đồng chí về khám lớn ở Sài Gòn và bị kết án tử hình.

Compare listings

Compare