Những kỳ vọng từ tuyến Vành đai 3 TP HCM

Tuyến Vành đai 3 TP HCM qua địa bàn tỉnh Bình Dương giúp hình thành nên các khu đô thị xung quanh

Mới chỉ một đoạn của tuyến Vành đai 3 TP HCM được xây dựng tại Bình Dương, song tác động tới kinh tế – xã hội liên vùng rất rõ rệt.

Khi tuyến được xây dựng hoàn chỉnh, chắc chắn sẽ tăng tính kết nối, tạo động lực cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Từ vùng hoang vu lên thành phố nhờ tuyến Vành đai 3 TP HCM

Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi có dịp trở về khu phố 4, phường Tân Bình, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Bên tách cà phê buổi sáng, nhìn những đoàn xe nối đuôi nhau qua lại trên tuyến đường Tân Vạn – Mỹ Phước, ông Trần Văn Chéo (67 tuổi, tổ trưởng khu phố 4), đến giờ vẫn còn nhớ như in hình ảnh khu phố này hơn 15 năm về trước, xung quanh đều là đất đồi.

Tuyến Vành đai 3 TP HCM qua địa bàn tỉnh Bình Dương giúp hình thành nên các khu đô thị xung quanh
Tuyến Vành đai 3 TP HCM qua địa bàn tỉnh Bình Dương giúp hình thành nên các khu đô thị xung quanh

Phía trước có con đường mòn đất đỏ nhỏ xíu, muốn chuyển hàng hóa phải dùng đến xe bò, khi trời mưa đường sình lầy gần như bị chia cắt với bên ngoài.

Đường Tân Vạn – Mỹ Phước là một đoạn của tuyến Vành đai 3 TP HCM đi qua tỉnh Bình Dương. Tuyến có chiều dài khoảng 16km, rộng 30m, 6 làn xe. Trước đây, tuyến chạy qua 2 huyện Dĩ An và Thuận An, nay cả hai huyện này đã lên thành phố.

Ông Chéo nhớ lại, năm 2009 khi có dự án làm đường mọi người rất vui mừng, nhận tiền đền bù, nhà nào cũng nhanh chóng chuyển đi, giao mặt bằng cho Nhà nước làm đường. Trước chỉ có khoảng 10 căn nhà, giờ riêng xóm ông đã có hơn 300 hộ dân.

Tuyến Vành đai 3 giai đoạn 1 dài 76,34km đi qua các địa phương TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Dự án đầu tư tuyến chính cao tốc quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80km/h. Đường song hành được làm từ 2 – 3 làn xe. GPMB sẽ thực hiện một lần theo quy mô hoàn chỉnh 74,5m, riêng một đoạn gần nút giao Tân Vạn (TP Thủ Đức) rộng 120m.
Dự án được đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 75.378 tỷ đồng.

Dọc hai bên con đường mới mở, nhà cửa khang trang mọc lên ngày càng nhiều. Trước khi mở đường, giá đất ở đây chưa đến 1 triệu đồng/m2 nhưng hiện giờ đất mặt đường đã tăng lên gần 30 triệu đồng/m2.

Tuyến vành đai 3 qua Bình Dương cũng giúp hàng loạt dự án bất động sản hưởng lợi như Honas Residence là dự án căn hộ chung cư nằm trên tuyến đường Bình Thung có giá bán 26 triệu đồng/m2; Bcons Sala Dĩ An (cách Vành đai 3 hơn 1km) cung cấp ra thị trường 512 căn hộ.

Cách tuyến Vành đai 3 TP HCM khoảng 2km là Khu đô thị Bình Nguyên có quy mô 21,6ha gồm 131 nền biệt thự với diện tích từ 240 – 600m2, 436 lô nhà phố với diện tích từ 100 – 170m2 và khu nhà ở chung cư cao tầng. Cùng đó, là nhiều khu dân cư, nhà phố đã và đang hình thành xung quanh.

Ngoài việc hình thành các khu đô thị xung quanh, tuyến Vành đai 3 TP HCM qua Bình Dương giúp giảm tải rất lớn cho cửa ngõ chính từ Bình Dương ra vào TP.HCM thông qua các tuyến QL1, QL13, QL1K và Xa lộ Hà Nội; kết nối các khu công nghiệp, cảng biển quan trọng (Thị Vải, Cái Mép), cảng container ở Bình Dương, Đồng Nai, TP Thủ Đức, giảm thời gian và chi phí vận chuyển.

Giao thông mở rộng đã có tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Trong 5 tháng đầu năm 2022, Bình Dương thu hút đầu tư trong nước hơn 30.997 tỷ đồng; thu hút vốn gần 2,5 tỷ USD, đứng đầu cả nước.

>> Xem thêm: Đưa cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận hoạt động vào dịp lễ 30/4

Ngày đêm lo giải phóng mặt bằng

Tuyến đường mới xây qua địa bàn Hóc Môn kỳ vọng sẽ giúp khu vực này phát triển
Tuyến đường mới xây qua địa bàn Hóc Môn kỳ vọng sẽ giúp khu vực này phát triển

Mới chỉ một đoạn của tuyến Vành đai 3 TP HCM đã có tác động rất lớn đến kinh tế – xã hội liên vùng. Toàn tuyến Vành đai 3 có chiều dài hơn 76km, kinh phí đầu tư hơn 75.300 tỷ đồng, chia 8 dự án thành phần, mỗi địa phương thực hiện hai dự án gồm xây lắp và GPMB. Trong giai đoạn 1, tuyến được xây dựng 4 làn, hai bên xây đường song hành nhưng không liên tục mà bố trí qua đô thị, khu dân cư có nhu cầu kết nối giao thông, kinh tế…

Theo kế hoạch, dự án sẽ được khởi công vào tháng 6/2023, hoàn thành vào cuối năm 2026. Vì vậy, đến nay các địa phương đang rốt ráo chuẩn bị nhiều công việc, nhất là GPMB để phục vụ dự án.

Ông Dương Hồng Thắng, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, TP.HCM cho biết, tuyến đi qua địa bàn huyện có chiều dài 11,3km, có 451 hộ dân bị ảnh hưởng, kinh phí bồi thường khoảng 2.000 tỷ đồng. Huyện đã thực hiện xong đo vẽ, kiểm kê, kiểm diện nhà đất. Các trường hợp thuộc diện tái định cư, huyện đang thuê đơn vị tư vấn để xây dựng đơn giá bồi thường.

Huyện đã xây dựng phần mền quản lý công tác bồi thường trên điện thoại để theo dõi, giám sát tiến độ và giải phóng mặt bằng. “Đến ngày 30/8 phải bố trí đủ vốn thì mới đảm bảo thu hồi mặt bằng và bàn giao để triển khai dự án”, ông Thắng nói.

Tại huyện Bình Chánh, Vành đai 3 có chiều dài 15km qua 3 xã: Phạm Văn Hai, Lê Minh Xuân và Bình Lợi, 700 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có 452 hộ giải tỏa trắng, kinh phí bồi thường 8.700 tỷ đồng. Lãnh đạo huyện kiến nghị sớm cắm mốc ranh thực địa để các địa phương đo vẽ và bố trí kinh phí bồi thường.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, thời gian tới sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án, phấn đấu bàn giao mặt bằng từ tháng 10/2022. Cùng với đó, sẽ tổ chức khảo sát các mỏ vật liệu xây dựng đảm bảo có đủ nguồn cung cấp và xác định các bãi đổ chất thải rắn để thực hiện dự án.

Vành đai 3 TP.HCM là dự án giao thông liên kết vùng lớn nhất miền Nam từ trước đến nay. Đây được xem là tuyến đường chiến lược, ngoài kết nối giao thông còn tạo hành lang đô thị, công nghiệp không chỉ 4 tỉnh, thành dự án đi qua mà tác động cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Là một người nhiều năm đau đáu với việc phát triển hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đánh giá, Vành đai 3 triển khai nhanh sẽ kết nối được các đô thị liên vùng, góp phần giảm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Trong khi đó, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Vành đai 3 chỉ là sự bắt đầu của những tuyến vành đai, cao tốc kết nối liên vùng kinh tế, đô thị phía Nam. Sau khi chuẩn bị xong Vành đai 3, cần nhanh chóng bắt tay vào Vành đai 4, các tuyến cao tốc. Có như vậy, mới đáp ứng tốc độ phát triển kinh tế ngày càng cao của khu vực này.

Tính đến nay, Sở GTVT Long An cùng với tư vấn thiết kế thực hiện bàn giao cọc GPMB ngoài hiện trường tại địa bàn 2 xã Tân Bửu, Mỹ Yên, huyện Bến Lức thuộc dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, đoạn qua tỉnh Long An với khoảng 350 hộ bị ảnh hưởng.

Qua đó, đã có hơn 200 cọc GPMB được bàn giao cho UBND huyện Bến Lức để thực hiện kê biên, giải tỏa, bồi thường, thu hồi đất trong khu vực dự án.

Ông Nguyễn Thiện Thuật, Trưởng ấp 6, xã Mỹ Yên cho biết, ngay từ khi có thông tin về dự án, người dân đều rất phấn khởi, bởi đây là dự án trọng điểm quốc gia.

“Gia đình tôi bị thu hồi khoảng 1.000m2 đất để phục vụ dự án. Qua thông tin từ người dân, đa số người dân trong xã đều đồng tình, ủng hộ”, ông Thuật nói và mong dự án được triển khai, thi công càng sớm càng tốt để phát huy hiệu quả, phục vụ sự phát triển kinh tế địa phương cũng như tạo diện mạo mới.

Theo: baogiaothong.vn

Compare listings

So sánh