Cần Thơ đề xuất 2 phương án xây cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu gần 7.000 tỉ đồng

Dự kiến cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu có mức vốn gần 7.000 tỉ đồng

(NMP)- Cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu có tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỉ đồng.

UBND TP Cần Thơ vừa có công văn trao đổi với UBND tỉnh Đồng Tháp về hai phương án tuyến kết nối với hợp phần xây dựng cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu, thuộc dự án phát triển TP Cần Thơ thích ứng với biến đổi khí hậu tham gia chương trình DPO trên địa phận tỉnh Đồng Tháp.

Dự kiến cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu có mức vốn gần 7.000 tỉ đồng
Dự kiến cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu có mức vốn gần 7.000 tỉ đồng

Theo đó, UBND TP Cần Thơ cho hay qua các buổi làm việc với lãnh đạo TP, phía nhà tài trợ – Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) bày tỏ sự quan tâm việc đầu tư đồng bộ và hiệu quả liên kết vùng của các dự án đề xuất của TP Cần Thơ, tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Kiên Giang. Do đó, kết quả trao đổi giữa Cần Thơ và Đồng Tháp là cơ sở để báo cáo với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhà tài trợ – cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Hai phương án xây cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu

Cụ thể hai phương án đề xuất của Cần Thơ là:

– Phương án 1 có chiều dài toàn tuyến liên vùng khoảng 69km, bắt đầu từ vị trí giao Quốc lộ 80 (ở khu vực Đông Nam TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp); Sau đó đi giữa khu vực quy hoạch hai khu công nghiệp Vinashin và Bắc Mương Khai, rồi vượt sông Hậu tại vị trí cách phà Thới An – Phong Hòa khoảng 2,5km về phía thượng lưu (thuộc địa phận phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ);

Tuyến tiếp tục đi về phía Tây, giao Quốc lộ 91 ở phía Bắc cầu Ô Môn hiện tại, qua khu vực Viện lúa ĐBSCL và song song với đường tỉnh 922E (phía Tây thị trấn Thới Lai) để đi về phía huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang.

– Phương án 2 có chiều dài toàn tuyến liên vùng khoảng 70km, bắt đầu từ vị trí nút giao tuyến tránh TP Sa Đéc (đường tỉnh 852B) với tuyến N1 quy hoạch (phía Đông Nam TP Sa Đéc). Sau đó đi giữa khu vực quy hoạch hai khu công nghiệp Vinashin và Bắc Mương Khai và nhập vào hướng tuyến của phương án 1.

“Hiện nay, tuyến kết nối vào cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu thuộc địa phận tỉnh Đồng Tháp chưa có. Do đó, để đáp ứng yêu cầu đồng bộ, liên kết vùng theo quy hoạch vùng ĐBSCL, UBND TP Cần Thơ kính đề nghị UBND tỉnh Đồng Tháp xem xét, có ý kiến về việc đầu tư tuyến kết nối vào cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu tham gia chương trình DPO theo hai phương án nêu trên để UBND TP Cần Thơ làm cơ sở báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và nhà tài trợ. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án” – Công văn của UBND TP Cần Thơ nêu.

Ảnh minh họa

>> Xem thêm: Đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ là trục quyết định không gian mới thành phố

Theo dự kiến, cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu có tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỉ đồng. Trong đó, Cần Thơ đề xuất ngân sách Trung ương hỗ trợ 2.500 tỉ đồng; ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác 4.500 tỉ đồng.

Theo Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến liên vùng Đồng Tháp – Cần Thơ – Kiên Giang đóng vai trò quan trọng trong phát triển các khu công nghiệp, thúc đẩy giao lưu thương mại đầu tư và phát triển giữa các tỉnh trong vùng.

Đồng thời, tăng cường khả năng kết nối giao thông liên vùng, tháo gỡ nút thắt về hạ tầng giao thông của ba địa phương, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa ngày càng cao của khu vực.

Theo: plo.vn

Compare listings

Compare