Trong 5 nút giao thông trọng điểm được cải tạo, mở rộng tại quận Ninh Kiều, Cần Thơ xây 2 cầu vượt tại 2 nút giao Mậu Thân – Trần Hưng Đạo và Nguyễn Văn Linh – 3/2 (được ưu tiên trong 5 nút giao). Các nút giao còn lại sẽ tùy theo nguồn vốn cân đối để tiếp tục giải quyết vào cuối nhiệm kỳ này hoặc đầu nhiệm kỳ sau.
Thông tin được Giám đốc Sở GTVT Cần Thơ cho hay tại phiên họp giải trình về tình hình, kết quả thực hiện và giải ngân đầu tư công năm 2022 do Thường trực HĐND TP Cần Thơ tổ chức sáng 3/6.
Ông Nguyễn Văn Dũng (đại biểu HĐND TP Cần Thơ, đơn vị quận Cái Răng) nêu vấn đề: “”Tại quận Ninh Kiều, tình trạng kẹt xe thường xuyên, liên tục ở các nút giao thông. UBND quận Ninh Kiều được giao thực hiện dự án cải tạo, mở rộng 5 nút giao, công tác chuẩn bị hiện đến đâu, tương lai có làm cầu vượt, hầm chui không, mỗi phương án sẽ được gì, không được cái gì…?”
Cần Thơ xây 2 cầu vượt Mậu Thân – Trần Hưng Đạo và Nguyễn Văn Linh – 3/2
Dự án cải tạo, mở rộng 5 nút giao (Mậu Thân – 3/2 – Trần Hưng Đạo; Mậu Thân – Nguyễn Văn Cừ – Võ Văn Kiệt; Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Văn Cừ; Nguyễn Văn Linh – 3/2; Nguyễn Văn Linh – 30/4) có tổng mức đầu tư dự án hơn 1.196 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách TP, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.
Ông Huỳnh Trung Trứ – Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều cho biết, quận được giao làm chủ đầu tư, nhưng về nguồn vốn thì đang trình Sở KH&ĐT để báo cáo UBND TP trình HĐND TP quyết định vào kỳ họp giữa năm nay để điều chỉnh nguồn vốn giao cho quận.
“Khi có vốn thì chúng tôi sẽ thực hiện các bước đấu thầu, lập dự án, khi được phê duyệt sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng và thực hiện. Khi thực hiện mở rộng các nút giao cũng đã tính tới giai đoạn tiếp theo là xây dựng cầu vượt, hiện quận đang phối hợp với Sở GTVT về mặt kỹ thuật…” – ông Trứ nói.
Tin tức được cập nhật bởi: namminhphat.vn
Trả lời thêm về dự án này, ông Lê Tiến Dũng – Giám đốc Sở GTVT Cần Thơ cho biết, giai đoạn 1 của dự án là cải tạo, mở rộng 5 nút giao. Còn giai đoạn 2 của dự án, Sở GTVT đã nghiên cứu các phương án. Sau khi so sánh hai phương án cầu vượt và hầm chui, sở có thiên hướng trình UBND TP xem xét phương án xây cầu vượt, bởi 3 lý do:
Thứ nhất là xây cầu vượt hoàn toàn có thể tạo được cảnh quan đẹp; thứ hai là thi công cầu vượt sẽ đơn giản hơn so với hầm chui và thứ ba là kinh phí xây cầu vượt sẽ thấp hơn so với hầm chui.
“Đối với hầm chui, tạo cảnh quan đẹp sẽ khó hơn; kinh phí cũng cao hơn, phức tạp hơn và cái quan trọng nhất là giải pháp thoát nước sẽ phức tạp hơn trong bối cảnh Cần Thơ hay bị ngập khi mưa lớn, triều cường”” – ông Dũng phân tích.
“Hiện chúng tôi đã hoàn chỉnh phương án cầu vượt, trong tuần sau sẽ trình UBND TP thống nhất để trình HĐND TP thông qua. Theo đó, trong 5 nút giao, Cần Thơ xây 2 cầu vượt tại nút Mậu Thân – Trần Hưng Đạo và Nguyễn Văn Linh – 3/2. Các nút còn lại sẽ tùy theo nguồn vốn cân đối để tiếp tục giải quyết vào cuối nhiệm kỳ này hoặc đầu nhiệm kỳ sau” – Giám đốc Sở GTVT Cần Thơ cho hay.
Tại phiên giải trình, nhiều đại biểu băn khoăn về tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn TP. Trong số 30 đơn vị làm chủ đầu tư (CĐT), có 5 CĐT giải ngân 0%; 1 đơn vị đạt 0,25% và 1 đơn vị đạt 0,66%…
Trung tâm Phát triển quỹ đất TP được giao CĐT thực hiện 3 khu tái định cư, nhưng mới giải ngân mới đạt 0,6%. Trong đó có 2 khu là đất sạch, tức là không cần giải phóng mặt bằng…
Báo cáo tại phiên giải trình, ông Dương Tấn Hiển – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ cho biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của TP Cần Thơ được giao là hơn 7.510 tỷ đồng. Kết quả giải ngân đến hết ngày 30/5/2022 đạt hơn 965 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 13,22%.
Trong số 21 sở, ban, ngành TP làm CĐT (được giao hơn 5.608 tỷ đồng), có 5 CĐT chưa giải ngân; 9 CĐT giải ngân dưới 10%; 2 CĐT đạt trên 10% và dưới 20%; 5 CĐT giải ngân trên 30%. Trong đó, có 10 dự án lớn (quy mô từ 100 tỷ đồng trở lên), với tổng số vốn hơn 4.633 tỷ đồng, chiếm 82,62% kế hoạch vốn cấp TP, đã ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả TP khi các dự án này giải ngân chậm, chưa đạt yêu cầu…
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường chỉ đạo, người đứng đầu chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND TP, Chủ tịch UBND TP về việc tổ chức thực hiện và kết quả giải ngân dự án/công trình của đơn vị, địa phương mình.
Rà soát ngay và có văn bản cam kết tỷ lệ giải ngân năm 2022 và xây dựng kế hoạch hành động, lộ trình giải ngân hàng tuần, tháng, quý gửi về Sở KH&ĐT tổng hợp, báo cáo. Trường hợp đến hết tháng 6/2022 các đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp (không đạt tỷ lệ giải ngân theo mặt bằng chung toàn quốc), sẽ xem xét kiểm điểm trách nhiệm CĐT…