Tuyến đường sắt cao tốc TPHCM Cần Thơ được đề cập đến tại Hội thảo “Xóa trắng cao tốc – phát huy lợi thế ĐBSCL”. Phát triển giao thông mà chỉ dựa vào đầu tư công thì chắc chắn khó lòng đẩy nhanh tiến độ, làm sao huy động doanh nghiệp tham gia vào câu chuyện này không phải đơn giản. Đầu tư phát triển giao thông có đặc thù là vốn lớn, thời gian thu hồi vốn lâu, thủ tục rất nhiều…
Với tham vọng đầu tư vào giao thông, cụ thể là đường sắt cao tốc miền Tây, CT Group đã có chia sẻ về dự án này tại Hội thảo “Xóa trắng cao tốc – phát huy lợi thế ĐBSCL” do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 31.5.
Ông Trần Kim Chung đánh giá vị trí địa lý nước ta có nhiều điểm mạnh nhưng chưa thực sự phát huy hết tiềm năng
Ông Trần Kim Chung – Chủ tịch Hội đồng quản trị CT Group cho rằng ĐBSCL có lợi thế về dân số, bằng Vương quốc Bỉ cộng với Na Uy và Phần Lan. Với thuận lợi từ dân số và địa lý là vị thế cạnh tranh lâu dài, ổn định nhưng khu vực này chưa thật sự phát huy được những lợi thế đang có. Vị trí địa lý ĐBSCL khá đặc biệt, là một trong những đồng bằng có giá trị nhất thế giới, mưa thuận, gió hòa, đất đai màu mỡ, tuy nhiên người dân miền Tây vẫn bỏ xứ đi làm những công việc ở nơi khác. Những tiềm năng to lớn từ ĐBSCL còn quá nhiều dư địa phát triển về mặt giao thông, dư địa phát triển về mặt kinh tế, hạ tầng xã hội. Tuy nhiên sự chọn lựa như thế nào để tạo ra sự đột phá vì chúng ta không có đủ để cùng làm một lúc, nên cần có sự ưu tiên.
Như TS Trần Du Lịch vừa chia sẻ trong hội thảo, ông Trần Kim Chung cho rằng: “Tuyến đường sắt cao tốc TPHCM Cần Thơ mang lại đột phá và sự phát triển cho khu vực miền Tây, mang tính chất lột xác cho miền Tây”.
Nặng tình với miền Tây – Quyết tâm phát triển đất nước
Nặng tình với miền Tây, ông Trần Kim Chung chia sẻ gần 30 năm trước, Tập đoàn có một công ty xuất khẩu lưới xơ dừa lớn nhất Việt Nam, công ty xuất khẩu gạo qua Đông Âu lớn nhất Việt Nam. Thời gian đó, người của công ty lăn lộn với miền Tây rất nhiều. Giờ này đi xuống miền Tây rất nặng lòng vì đường sá còn nhiều khó khăn quá. Cho nên trong suốt 2 năm vừa qua, Tập đoàn cũng nghiên cứu đề án làm đường sắt cao tốc miền Tây. Đối tác của Tập đoàn cũng đã có những chuẩn bị, Tập đoàn cũng có làm việc với các cổ đông có kinh nghiệm trong đường sắt thành công ở Malaysia và cũng là đơn vị làm tuyến đường sắt nối liền giữa Malaysia và Singapore. Tập đoàn cũng đã trình bày với Ngân hàng Thế giới (WB) và họ nói rằng: “Trường hợp này chúng tôi cũng xem rất nhiều nhưng nếu các bạn làm được việc phát triển đồng bộ giữa giao thông và khu công nghiệp, khu thương mại quanh trục giao thông đó thì mới thành công dự án này. Vì nếu làm giao thông thuần túy thì các bạn không thể làm được”. Đồng ý với góp ý của WB, theo ông Trần Kim Chung, đó cũng là lý do vì sao Tập đoàn cấu trúc liên doanh với đầy đủ các đơn vị có thể làm được module trong một cấu trúc kinh tế như vậy. Về chi tiết cụ thể dự án, Tập đoàn CT Group sẽ có báo cáo cụ thể với Chính phủ, Bộ GTVT.
Tuyến đường sắt cao tốc TPHCM Cần Thơ sẽ là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế cả hai vùng phát triển
Dự án đường sắt cao tốc TPHCM Cần Thơ nối 2 vùng kinh tế trọng điểm phía nam là TP.HCM và Cần Thơ, với chiều dài 174 km, tổng vốn là 170.000 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 56.000 tỉ đồng qua 6 địa phương, 85.000 tỉ đồng xây lắp. Đường sắt hàng hóa bắt đầu từ ga An Bình, Dĩ An (Bình Dương), ga hành khách bắt đầu từ ga Tân Kiên (Bình Chánh) và điểm cuối cùng là ga Cái Răng (Cần Thơ). Tổng chiều dài 174 km đối với ga hàng hóa, 135 – 140 km đối với hành khách. Số lượng ga là 13 ga, qua các tỉnh Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ. Căn cứ pháp lý để triển khai đường sắt theo Nghị quyết 120 /2017 của Chính phủ phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Quyết định 1769/2021 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quyết định 287/2022 phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nhu cầu vận chuyển ngày càng cao trong thời gian tới
Dự báo về nhu cầu phát triển, đến năm 2030, nhu cầu hành khách khoảng 4,1 triệu, chiếm khoảng 3%; đến 2050 tăng lên 22 triệu hành khách, chiếm 8,8% thị phần vận tải hành khách. Vận tải hàng hóa, đến 2030, gần 5 triệu tấn hàng hóa, chiếm 0,85% thị phần, 2050 tăng lên 41 triệu tấn hàng hóa, chiếm 3% thị phần vận tải.
>> xem thêm: Cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang được thiết kế nhiều đoạn
Khảo sát về giá thành vận tải, với đường bộ hiện nay tốc độ trung bình đối với hành khách từ 60 – 80 km/giờ, giá từ 800 – 1.000 đồng/km; còn đối với hàng hóa là 50 km/giờ, giá 1.800 đồng/km. Với đường sắt thông thường, vận tải hành khách tốc độ từ 55 – 60 km/giờ và giá vé từ 600 – 1.000 đồng/km, vận tải hàng hóa tốc độ khoảng 45 km/giờ và giá thành khoảng 400 đồng/km. Trong trường hợp đường sắt cao tốc đi vào vận hành, tốc độ tối đa là 200 km/giờ, giá thành dự kiến cao hơn vận tải bằng đường sắt thông thường khoảng 5 – 10%. Để phát huy tối đa giá trị của đường sắt, ngoài giao thông, Tập đoàn CT Group đề xuất xung quanh những tuyến nhà ga kết hợp với quy hoạch phát triển khu công nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thương mại… để phát huy được tiềm năng, giá trị của đường sắt cao tốc.