Ngoài cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận vừa khánh thành, miền Tây có thêm 400 Km cao tốc trong 5 năm tới

Cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận vừa thông xe tháng 1

Cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận dài 51 km chính thức thông tuyến, khánh thành đưa vào sử dụng, giảm áp lực cho quốc lộ 1A và rút ngắn thời gian di chuyển từ các tỉnh miền Tây đi TP HCM và ngược lại.

51 km cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận hoàn thành sau 13 năm xây dựng

Hôm nay (27/4), UBND tỉnh Tiền Giang và CTCP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đã tổ chức Lễ khánh thành cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. 

Tuyến đi qua 5 huyện của Tiền Giang, điểm đầu tuyến đường tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối cao tốc TP HCM – Trung Lương), điểm cuối tại nút giao với quốc lộ 30.

Cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận dài 51 km, rộng 16 m, gồm 4 làn xe. Hiện cao tốc chưa có làn khẩn cấp, mỗi chiều bố trí 6 điểm dừng khẩn cấp. Giai đoạn mở rộng sau này, cao tốc sẽ nâng lên 6 làn gồm hai làn dừng khẩn cấp hai bên.

Cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận vừa thông xe tháng 1
Cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận vừa thông xe tháng 1

Công trình giúp giảm tải cho quốc lộ 1A, rút ngắn thời gian di chuyển từ các tỉnh miền Tây đi TP HCM và ngược lại từ 3 tiếng còn 1 tiếng 45 phút. 

Cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận được khởi công từ năm 2009, dự kiến hoàn thành vào năm 2013 với tổng vốn đầu tư hơn 14.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhà đầu tư thiếu năng lực, dự án bị đình trệ. Sau nhiều lần thay đổi chủ đầu tư và đổi cơ quan quản lý dự án từ Bộ Giao thông vận tải về UBND Tiền Giang, vốn dự án được điều chỉnh còn hơn 12.600 tỷ đồng.

Vào đầu năm nay, cao tốc thông xe kỹ thuật. Đợt cao điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua, cao tốc cho ô tô vào chạy hơn hai tuần nhằm giảm tải cho quốc lộ 1, sau đó đóng từ 11/2 để hoàn thiện các hạng mục còn lại.

Miền Tây có thêm 400 km trong 5 năm tới

Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh thành với dân số hơn 17 triệu người, được xem là vùng kinh tế quan trọng khi góp khoảng 18% vào GDP cả nước. Tuy nhiên, các tỉnh miền Tây phát triển chưa xứng tiềm năng, một phần do hạ tầng giao thông ở đây yếu kém.

Tính đến năm 2020, toàn vùng chỉ có 45 km đường cao tốc, chiếm khoảng 3% chiều dài cao tốc cả nước, những con đường quốc lộ cũng nhỏ hẹp.

Còn hiện tại, khu vực chỉ có khoảng 150 km cao tốc đang khai thác, gồm tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi, TP HCM – Trung Lương và Trung Lương – Mỹ Thuận vừa khánh thành.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành từng nhận định đến năm 2030, hạ tầng giao thông của Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có bước phát triển đột phá, vượt bậc.

“Khi có hệ thống giao thông đồng bộ, đóng góp của Đồng bằng sông Cửu Long sẽ gấp nhiều lần hiện nay”, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nói khi thẩm định quy hoạch khu vực này.

Còn tại buổi lễ khánh thành cao thốc Trung Lương – Mỹ Thuận hôm nay, Phó Thủ tướng cho biết trong 5 năm tới sẽ đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng phát triển hạ tầng giao thông vận tải vùng Đồng bằng sông Cửu Long với khoảng 400 km cao tốc.

Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ, về đường bộ, với hệ thống đường bộ cao tốc trong vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 có tổng chiều dài khoảng 1.166 km, bao gồm ba trục dọc kết nối các tỉnh, thành phố trong vùng với vùng Đông Nam Bộ và ba trục ngang nhằm tăng cường kết nối với hệ thống cảng biển trong vùng với các cửa khẩu quốc tế.

Cụ thể, các trục dọc gồm tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông (đoạn TP HCM – Cần Thơ – Cà Mau) dài khoảng 245 km, quy mô 4 – 6 làn xe. Tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây (đoạn Đức Hòa – Rạch Sỏi) dài khoảng 180 km, quy mô 6 làn xe. Tuyến cao tốc TP HCM – Tiền Giang – Bến Tre – Trà Vinh – Sóc Trăng dài khoảng 150 km, quy mô 4 làn xe.

Các trục ngang gồm tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng dài khoảng 190 km, quy mô 6 làn xe. Tuyến cao tốc Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu dài khoảng 212 km, quy mô 4 làn xe. Tuyến cao tốc Hồng Ngự – Trà Vinh dài khoảng 188 km, quy mô 4 làn xe.

Trong năm nay dự kiến khởi công cao tốc Cần Thơ – Cà Mau dài 109 km, hoàn thành cuối năm 2025. Đoạn cao tốc này gồm hai tuyến thành phần là Cần Thơ – Hậu Giang (37 km) và Hậu Giang – Cà Mau (72 km), đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư vào đầu năm nay.

Sang năm 2023 sẽ khánh thành tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ dài 23 km.

Ngoài ra, dự án Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng sẽ được khởi công sau khi Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư sắp tới, dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Đây cũng là một trong hai tuyến cao tốc tại miền Tây được bố trí một phần vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. 

Dự án còn lại là cao tốc An Hữu – Cao Lãnh dài khoảng 27 km, 4 làn xe qua địa phận tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang. Tổng mức đầu tư khoảng 6.054 tỷ đồng (bố trí 1.864 tỷ đồng vốn ngân sách đầu tư công trung hạn 2021-2025), dự kiến khởi công cuối năm 2023, hoàn thành cuối năm 2025.

Theo: vietnammoi.vn

Compare listings

Compare