Để thuận tiện trong việc quản lý, đầu tư, Bộ GTVT sẽ bàn giao QL 91B về cho TP Cần Thơ quản lý, đầu tư.
Cử tri TP Cần Thơ vừa có kiến nghị Bộ GTVT sớm đầu tư tuyến QL91 đoạn từ km0 – km7, bố trí vốn thực hiện mở rộng tuyến QL91B (đoạn qua địa phận TP Cần Thơ). Đồng thời, sớm xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM – TP Cần Thơ và xây dựng cầu Cần Thơ 2.
Bàn giao QL 91B về cho TP Cần Thơ quản lý
Về các kiến nghị trên, Bộ GTVT cho biết, QL91 đoạn km0 – km7 là đường đô thị đã được bàn giao cho Cần Thơ quản lý kể từ ngày 1/1/2008, được đặt tên là đường Cách Mạng Tháng Tám (qua địa bàn quận Ninh Kiều) và Lê Hồng Phong (qua địa bàn quận Bình Thủy).
UBND TP đã phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đoạn đường này với tổng mức đầu tư gần 1.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2011, dự án bị tạm dừng.
Tại Nghị quyết số 98, Chính phủ giao Cần Thơ là cơ quan chủ trì thực hiện dự án này trong giai đoạn 2021 – 2030 bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn huy động khác.
Mặt khác, ngày 10/7/2022, trong buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ – Phạm Minh Chính với lãnh đạo TP Cần Thơ, Thủ tướng đã giao Cần Thơ rà soát, bố trí số vốn được giao trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 của địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai, thực hiện dự án.
“Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị UBND TP Cần Thơ căn cứ các ý kiến chỉ đạo nêu trên để triển khai thực hiện dự án và trả lời kiến nghị của cử tri TP Cần Thơ về nội dung nêu trên theo thẩm quyền.
Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND TP Cần Thơ trong quá trình triển khai thực hiện”, Bộ GTVT cho hay.
Đối với việc đầu tư mở rộng QL91B, Bộ GTVT cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã phê duyệt đầu tư bổ sung tuyến đường này vào dự án BOT với quy mô đầu tư đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng.
Dự án đã hoàn thành và nghiệm thu đưa vào kinh doanh, khai thác từ ngày 31/12/2016.
Bộ GTVT cho rằng, do tuyến đường này thuộc TP Cần Thơ. Để thuận tiện trong quản lý theo quy hoạch của đô thị, Bộ đã báo cáo và kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận đề nghị của địa phương về việc tiếp nhận, quản lý đối với tuyến đường này.
Sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận, Bộ sẽ tiến hành bàn giao QL 91B về cho TP Cần Thơ quản lý và đầu tư.
Còn về vấn đề xây dựng tuyến đường sắt, Bộ GTVT cho hay đã giao Ban Quản lý dự án đường sắt nghiên cứu chuẩn bị đầu tư dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.
Để sớm hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, báo cáo các cấp có thẩm quyền về chủ trương đầu tư dự án, Bộ GTVT đề nghị Cần Thơ và các địa phương chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ trong quá trình nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư dự án.
Riêng việc xây cầu Cần Thơ 2, Bộ GTVT thông tin, quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cầu Cần Thơ 2 và đường dẫn 2 đầu cầu có chiều dài 15km, quy mô 4 làn xe, có lộ trình đầu tư trước năm 2030.
Quá trình nghiên cứu đầu tư dự án thành phần đoạn Cần Thơ – Cà Mau thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, đã đánh giá với quy mô của cầu Cần Thơ.
Theo đó, cầu hiện nay vẫn đáp ứng nhu cầu vận tải đến năm 2030, trong khi kinh phí xây dựng cầu Cần Thơ 2 rất lớn.
“Vì vậy, trong điều kiện hạn chế về nguồn lực, trong giai đoạn này tuyến cao tốc sẽ vượt sông Hậu thông qua cầu Cần Thơ hiện hữu.
Hiện nay, Bộ GTVT đang giao các đơn vị chủ động nghiên cứu, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để triển khai ngay khi cân đối được nguồn lực, đáp ứng nhu cầu vận tải trong tương lai”, Bộ GTVT cho biết.