NMP – Vừa khánh thành cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận dài hơn 50 km, tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, hoạt động từ hôm nay, sau 13 năm triển khai.
Thông xe sau lễ khánh thành cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận
Trước đó, lãnh đạo Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận thông tin, lũy kế khối lượng thi công dự án đạt khoảng 8.162 tỷ đồng (tương đương 98%).
Đến nay các hạng mục nền đường tuyến chính, tuyến nối hoàn thành; hơn 50 cầu trên tuyến chính, tuyến nhánh, nút giao thông và cầu vượt đã xong; điện chiếu sáng, hệ thống giao thông thông minh (ITS) được lắp…
Hai trạm thu phí chính cùng 3 trạm phụ trên tuyến đã xong một số hạng mục, dự kiến thu phí trong quý 2. Theo kế hoạch, sau khi cao tốc khánh thành, ôtô được chạy miễn phí trong 3 tháng. Sau đó, các đơn vị liên quan sẽ đánh giá toàn bộ chất lượng, công tác vận hành tuyến đường để thu phí.
Kiểm tra cao tốc ba hôm trước, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đánh giá các hạng mục công trình được kiểm định cơ bản đạt yêu cầu theo chỉ dẫn kỹ thuật của dự án.
Phát biểu tại lễ khánh thành sáng nay, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nói việc hoàn thành cao tốc là bước khởi đầu để từ nay đến cuối năm 2022 hoàn thành tiếp 361 km cao tốc trên tuyến Bắc – Nam; đến 2025 hoàn thành toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau.
Việc đưa vào sử dụng cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận là hiện thực lời hứa của Chính phủ với hơn 20 triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần tạo ra động lực và không gian phát triển mới cho Tiền Giang và các tỉnh lân cận trong khu vực…
Phó thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu tập trung đầu tư hoàn thành hệ thống giao thông kết nối, hệ thống đường gom, làn dừng khẩn cấp để phát huy tối đa hiệu quả.
Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận dài 51 km, rộng 16 m, gồm 4 làn xe. Hiện cao tốc chưa có làn khẩn cấp, mỗi chiều bố trí 6 điểm dừng khẩn cấp. Giai đoạn mở rộng sau này, cao tốc sẽ nâng lên 6 làn gồm hai làn dừng khẩn cấp hai bên.
Công trình khởi công từ năm 2009, dự kiến hoàn thành bốn năm sau. Tuy nhiên, nhà đầu tư thiếu năng lực, dự án bị đình trệ. Sau nhiều lần thay đổi chủ đầu tư và đổi cơ quan quản lý dự án từ Bộ Giao thông Vận tải về UBND Tiền Giang, vốn dự án được điều chỉnh còn hơn 12.000 tỷ đồng.
Sau 13 năm triển khai, đầu năm nay, cao tốc thông xe kỹ thuật. Đợt cao điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần, cao tốc cho ôtô vào chạy hơn hai tuần nhằm giảm tải cho quốc lộ 1, sau đó đóng từ 11/2 để hoàn thiện các hạng mục còn lại. Tuyến hoạt động giúp rút thời gian TP HCM đi Mỹ Thuận từ ba tiếng còn 1 tiếng 45 phút.